Tiếng Leng Keng

Tiếng Leng Keng


Hỡi Gia-kêu...Hỡi Gia-kêu
Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”. (Lc 19, 1-10)

 

Một Tiếng Gọi và Những Tiếng "Leng Ceng".

“Hỡi Gia-kêu”, “Hỡi Gia-kêu” là tiếng gọi mà Chúa Giê-su đã gọi Gia-kêu. 

Gọi là dấu hiệu đang còn xa nhau. Gọi là muốn lại gần. Có nhiều thứ tiếng gọi. Gọi để cho một tặng vật. Gọi để chung một niềm vui. Và trong bài đọc tin mừng, có một tiếng gọi mới “Hỡi Gia-kêu, hỡi Gia-kêu” của Chúa Giê-su. Tiếng gọi chỉ có 2 từ,  một tiếng gọi rất ngắn nhưng cao cả vì một người cao cả đứng bên dưới gọi một người thấp bé ở trên cây cao.  

Thiên Chúa gọi tôi khi tôi đang xa Ngài, Ngài gọi để lại gần tôi

 

Và tiếp theo, đó là hình ảnh Gia-kêu trèo lên cây để nhìn Chúa. Thiết tưởng rằng Gia-kêu là người đang tìm Chúa khi ông trèo lên cây, nhưng không, Chúa Giê-su tìm Gia-kêu. Vì Chúa đã cất lên “Hỡi Gia-kêu” trong cái nhìn lên của một Thiên Chúa đứng bên dưới. Gia-kêu ở trên cao, còn Chúa Giê-su ở dưới thấp. Vậy thì có gì đặc biệt trong tiếng gọi của Chúa Giê-su. 

Cùng nhìn về đời sống của Gia-kêu, người thu thuế. Chắc hẳn trong đời sống của ông có rất nhiều tiếng gọi, tiếng gọi của những người đến đóng thuế “Gia-kêu ơi”; tiếng gọi của người đồng nghiệp “này Gia-kêu”; còn có cả tiếng gọi trêu đùa của những đứa trẻ “Ê, ông Gia-kêu lùn”; và đặc biệt hơn là tiếng tiền bạc “leng keng, leng keng”. Trong cuộc sống có nhiều tiếng leng keng, thì sẽ rất khó để tìm ra đâu là tiếng gọi tầm thường và đâu là tiếng gọi cao cả. Trong cuộc sống của riêng tôi và của từng người, cuộc sống của chúng ta không thiếu những tiếng gọi. Và đã rất nhiều lần tiếng leng keng làm cho chúng ta lúc hạnh phúc, lúc mệt mỏi, lúc hăng hái, lúc kiệt sức. 

Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giê-su đã giúp chúng ta nhận ra tiếng gọi cao cả, đó chính là “Gọi để lại gần”. Khi con xa Chúa, Chúa sẽ gọi con để Ngài đến gần con; khi có nhiều người hay quát mắng vào con, Chúa sẽ gọi để con biết rằng “Ngài yêu con vô điều kiện; khi cuộc sống của con bị trói buộc bởi những điều răn, điều luật, Chúa sẽ gọi để con biết rằng “Đối với Ngài, không có người tội lỗi, chỉ có tình yêu thương”. 

Xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về tiếng leng keng vào tháng 6 vừa rồi. Sau khi đáp máy bay từ Philippines quay trở về Việt Nam, thì có xin nghỉ phép để về thăm gia đình sau 4 năm xa quê nhà. Tôi về quê và ở với ba mẹ 1 tháng, trong 1 tháng đó, tôi có đi thăm lại 1 người bạn của mình; một người bạn cũ mà tôi quen biết khi còn ở bậc trung học và phổ thông. Thế rồi, tôi nhận ra rằng có một tiếng keng keng tình yêu dẫu biết rằng tôi sống đời tu sĩ. Với một trái tim thương cảm của một người tu sĩ, tôi đã chao đảo với tiếng leng keng, tôi đã nghĩ rằng đời sống gia đình sẽ là tiếng gọi mới. Tôi dành giờ thinh lặng để nhận định đúng đâu là tiếng leng keng và đâu là tiếng gọi, tôi đi ra viếng mộ ông để xin ông soi sáng, tôi nói chuyện với Má để tâm sự với Má. Và trong 1 tháng, tiếng leng keng vẫn cứ leng keng. Và rồi khi thời gian nghỉ phép đã hết, tôi phải chào quê nhà để tiếp tục; sau đó tôi đã đi tĩnh tâm 8 ngày ở Vũng Tàu với 2 mục đích: nhìn lại đời sống, và thời gian phân định. Tới ngày thứ 4 thì tôi nghe được một tiếng nói “Ơn gọi gia đình không phải là ơn gọi dành cho con, mà tất cả những món quà được trao ban cho con là dành cho một mục đích cao cả hơn”. Đó là tiếng gọi của Chúa dành cho tôi khi tôi đang lạc lối, Chúa đã gọi tôi để Ngài đến gần tôi và tôi cũng đến gần Ngài. Trước khi nhận ra tiếng gọi của Chúa, tôi đã khóc, tâm trí vô định rất nhiều lần, và chẳng biết phải làm gì. Vâng, cuộc sống của chúng ta có rất nhiều tiếng gọi leng keng. 

 

Những tiếng gọi trong cuộc sống là  âm thanh leng keng, vậy tiếng gọi của Chúa mang âm hưởng gì? Với kinh nghiệm của tôi, thì tôi cũng nhận thấy rằng: tiếng Chúa gọi cũng leng keng lắm. Tiếng gọi của Chúa cũng leng keng, nhưng tiếng leng keng này ấm áp, và đặc biệt hơn là làm chúng ta tỉnh thức, như khi chúng ta đang ngủ say, tiếng leng keng phát ra làm chúng ta tỉnh giấc. Nếu những tiếng gọi cuộc sống làm chúng ta ngủ, thì đã có tiếng leng keng của Chúa đến gần và gọi chúng ta tỉnh lại. Vậy tiếng gọi của Chúa là tiếng gọi của sự lại gần, yêu thương, tiếng gọi của sự tỉnh thức. 

 

“Hỡi Gia-kêu” “hỡi Gia-kêu”. Chúa Giê-su đã gọi Gia-kêu, một con người không thánh thiện, một con người không có trọn vẹn đời sống tốt lành, người cũng chẳng gọi một người ngày nào cũng đi lễ, tham dự thánh lễ mỗi Chúa nhật, Ngài cũng chẳng gọi một người là người công giáo, một người theo đạo, hay một người biết về Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã gọi “Gia-kêu”, một ông lùn, người bám bụi vì ngày ngày ngồi ngoài phố thu thuế, một ông miệng lưỡi luôn leng keng về những đồng tiền, một ông có túi tiền leng keng suốt ngày, một ông chẳng phải là người công giáo, được rửa tội, thêm sức, xưng tội đều đặn. Chúa Giê-su đã gọi một con người có cả tốt và xấu, và dường như là xấu nhiều hơn tốt. Nhưng đó không là vấn đề, vì đối với Chúa Giê-su, không có tội lỗi, chỉ có tình thương. “Hỡi Gia-kêu”, tiếng Chúa cất lên xoá tan đi tiếng tiền bạc leng keng. Trái lại với những tiếng kêu: ê Gia-kêu, này Gia-kêu, ông Gia-kêu lùn, thấp bé, và cả những tiếng chửi rủa của người dân đóng thuế. Chúa Giê-su đã cất tiếng kêu “Hỡi”, là một cảm từ. Cảm từ là gì? Thưa là một từ đem theo “tình cảm”, tình cảm của người cất lên. Vậy thì Thiên Chúa đã cất lên một tiếng đầy tình cảm. Chúa đã không gọi “Này gia-kêu, người thu thuế tội lỗi, hãy xuống đây cho ta xử ngươi”. Chúa đã không nhắc bất kỳ một điều gì liên quan đến tội lỗi. Chỉ có những người chung quanh dùng từ tội lỗi, còn với Chúa Giê-su, Ngài không làm như vậy. Đối với Thiên Chúa, không có người tội lỗi, chỉ có tình yêu thương. 

Trong công việc mục vụ, mỗi lần tôi mời ai chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, tôi luôn hỏi mọi người về tên để tôi có thể ghi nhớ và gọi mọi người cách trân trọng và yêu mến. Như tôi vẫn thường gọi: chị Nga, bé Diệp, cô thuỷ, Bác an, cô Chi, bé Nhi, chị Hằng, mẹ bé Nhi, bác Cẩm, chú Hiển, bác Tươi… Tuy nhiên, tôi chỉ có thể gọi mọi người khi đã tiếp xúc và biết tên mọi người, và biết chút chút về đời sống mọi người, yêu mọi người với trái tim của một người tu sĩ, trái tim của một con người, trái tim của một Thừa Sai Thánh Tâm. Nhưng với Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn gọi mọi người, từng người, Ngài biết tất cả về đời sống của từng người, Ngài yêu mọi người với một trái tim bị đâm thâu, chan chứa lòng trắc ẩn, chất chứa một tình yêu vô điều kiện. Ngài luôn dùng một “cảm từ”, một từ chất chứa đầy tình cảm, Ngài gọi tất cả chúng ta dẫu cho chúng ta chưa rửa tội, dẫu cho chúng ta không có danh xưng là người công giáo, dẫu cho chúng ta có tự dùng từ “tội lỗi” để gắn lên mình hay gắn lên người khác thì với Ngài, Ngài vẫn gọi, Ngài vẫn và sẽ gọi chúng ta bằng những cảm từ giống như Ngài đã gọi Gia-kêu, Ngài sẽ ngước lên nếu chúng ta trèo lên cây, Ngài sẽ cúi xuống nếu chúng ta đang lăn lóc, nếu chúng ta đang đi lạc, Chúa Giê-su sẽ đi ngang qua thành phố ấy chỉ để gọi chúng ta, nếu chúng ta đang đắm chìm trong lạc lối, Ngài sẽ dùng thuyền đi ra xa bờ biển để gọi chúng ta bằng tiếng gọi thân tình. Vì với Ngài, chúng ta là những người con, không có tội lỗi, chỉ có tình yêu thương. Tiếng gọi của Chúa luôn là một cảm từ, một tiếng gọi tròn đầy tình cảm yêu thương.

Và với từng người chúng ta, chúng ta sẽ gọi những người trong cộng đoàn sống động là gì? Và gọi những người hàng xóm chúng là gì? Chúng ta sẽ gọi tất cả mọi người mỗi khi gặp nhau hằng tuần hay chúng ta chỉ chọn và gọi những người là đạo công giáo, là người sống đạo đức, là người chúng ta cảm mến. Ước mong rằng, từng người chúng ta sẽ biết gọi nhau, chào nhau bằng những cảm từ; vì nếu chúng ta còn cáo tội, còn phân biệt thì chúng ta vẫn chưa biết Thiên Chúa là ai. 

Để kết thúc, tôi xin được chia sẻ với mọi người một câu mà Chúa luôn luôn đánh kẻng cho tôi trong 5 năm sống đời tu sĩ. Tôi luôn luôn sống điều này, và mỗi khi lạc bước, thì câu này lại được keng lên trong con tim...

“Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở, nên đến muôn đời Ta vẫn dành cho con lòng xót thương”. “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở, đến muôn đời Ta vẫn dành cho con lòng xót thương”. Tình muôn thuở - đến muôn đời, Ta vẫn dành cho con lòng xót thương. (Ger 31, 3).


Joseph Nguyễn Lê Thế Vương, MSC

Comments

Popular posts from this blog

Đi Tu - Lời Dâng Hiến Hay Lời Đáp Trả?

Tiếng Gọi.

Thẹo Cuộc Sống.

MIỄN LÀM SAO

Em!!!

Một Phút Nghĩ Bố.

Đi Tu Có Gì Mà Ăn?

MÁ - Lời Tốt & Lời Xấu

Ba Má Ơi, Trời Còn Lạnh Không?

Đừng Sợ Bẻ Ra và Trao Đi Sẽ Hao Hụt.