KHÔNG AI TẮM HAI LẦN TRÊN CÙNG MỘT DÒNG SÔNG

KHÔNG AI TẮM HAI LẦN TRÊN CÙNG MỘT DÒNG SÔNG

Heraclitus đã nói: "Không ai có thể bước xuống cùng một con sông hai lần" – và sau ba năm học triết, tôi hiểu rằng mỗi lần trở lại với những tác phẩm triết học quen thuộc, tôi sẽ lại khám phá ra những điều hoàn toàn mới mẻ. Chính tôi cũng không còn là tôi của ngày hôm qua, và dòng sông tri thức cũng không ngừng chảy và thay đổi.

Dòng Sông Tri Thức vẫn Không Ngừng Chảy như Albert Einstein từng nói, vũ trụ là dòng chảy không ngừng. Việc học của tôi cũng vẫn chảy trong dòng vận động ấy. Từ những ngày đầu còn loay hoay với các khái niệm cơ bản như "hiện hữu", "ý thức", "bản chất", đến khi dần hiểu được sự phức tạp và tinh tế của từng hệ thống tư tưởng, tôi nhận ra rằng triết học không phải là kho tàng kiến thức tĩnh lặng mà là con sông sống động, luôn chuyển động và biến đổi.

Mỗi lần đọc lại Plato, tôi lại thấy những tầng nghĩa mới trong Symposium. Ngày Aphrodite chào đời, các thần minh đang dự yến tiệc. Cùng với tất cả các thần minh có con trai của thần Metis tên là Poros. Sau khi buổi tiệc kết thúc, nhằm lợi dụng sự thừa thải của một bữa ăn thịnh soạn, Penia đến để ăn xin, nàng đứng gần nơi cửa ra vào. Say men rượu nhụy hoa, Poros vào trong khu vườn của thần Zeus, mắt nặng trĩu và đắm chìm vào giấc ngủ. Penia, trong cảnh túng quẫn, nảy sinh ý định có con với Poros, nàng ngủ bên cạnh Poros và có thai cưu mang Eros (Tình yêu). Đó là lý do tại sao Tình Yêu lại là bạn đồng hành và là đầy tớ của Aphrodite, vì được hình thành nhân ngày sinh nhật của nữ thần Aphrodite, tình yêu tự bản chất không thể không say mê cái đẹp – và Aphrodite thì xinh đẹp.

Vì là con của Poros và Penia, Tình Yêu mang thân phận như sau: Trước hết nó luôn luôn nghèo, rồi thay vì tế nhị và xinh đẹp như nhiều người vẫn tưởng, tình yêu ngược lại khe khắt, cam go, đi chân trần, không nhà cửa, luôn luôn màn trời chiếu đất, ngủ bờ ngủ bụi, ngoài hiên nhà hoặc dọc đường dọc sá, bởi lẽ nó thừa hưởng mọi thứ ấy từ nơi mẹ và lúc nào nó cũng ở trong tình trạng thiếu thốn. Mặt khác, noi gương cha, nó rình chờ cái đẹp và cái tốt, nó hùng mạnh, quả cảm, hăng say nó là thợ săn thiện nghệ, nó không ngừng tìm ra những mưu kế; nó khao khát hiểu biết, nó dùng toàn bộ thời giờ trong cuộc sống cho nỗ lực triết lý, nó là nhà phù thủy kỳ tài, là thầy pháp, là nhà ngụy biện. Phải ghi nhận thêm rằng, tự bản chất, tình yêu không là ắt tử nhưng cũng không là bất tử. Trong cùng một ngày, có lúc nó tươi nở và tuôn trào sức sống, nhưng cũng có lúc nó chết rũ rượi, thế rồi nó tìm gặp lại sự sống nhờ những tài nguyên nó đón nhận từ nơi cha nó, nhưng hễ điều gì mới được thông chuyển cho nó thì cũng lập tức rời xa nó; bởi thế, tình yêu không bao giờ phải rơi vào tình trạng túng quẫn nhưng cũng không bao giờ được sống trong cảnh sung túc.

Mặt khác, tình yêu chiếm vị trí trung gian giữa hiểu biết và vô tri và sự thể là như thế này: không có thần minh nào chăm lo tìm tòi triết lý và không có thần minh nào mong ước trở nên thông thái, bởi lẽ tình yêu mới tìm tòi và mong ước. Và một cách chung chung, hễ người ta thông thái thì người ta không mưu cầu

triết lý; nhưng những người vô tri cũng vậy, họ không mưu cầu triết lý và cũng không mong muốn trở nên thông thái. Đó chính là điều không khỏi gây bực tức nơi tình trạng ngu dốt: mình không đẹp, không tốt, không thông minh, nhưng lại cứ cho rằng mình khá ngon lành trong mọi lĩnh vực. Người ta không thể khát mong điều mà người ta không cảm thấy thiếu.

- Này chị Diotima, tôi hỏi, vậy thì ai là những người mưu cầu triết lý nếu không phải là những nhà thông thái và những kẻ dốt nát ?

- Thật rõ như ban ngày, nàng nói, chỉ một em bé thôi vẫn có thể thấy được ngay tự bây giờ ai là là những kẻ chiếm vị trí trung gian giữa hai hạng người trên, và tình yêu chắc hẳn thuộc về những người ấy. Quả thế, sự hiểu biết được kể vào số những điều xinh đẹp nhất; mà tình yêu là tình yêu nhắm tới cái đẹp, vậy thì nhất thiết tình yêu phải là triết gia và bởi vì là triết gia, nhất thiết tình yêu chiếm vị trí trung gian giữa nhà bác học và người ngu muội.

Tôi bước xuống dòng sông ấy với tư cách một sinh viên ngây thơ, và mỗi lần trở lại, tôi đều là một con người hoàn toàn khác. Điều tôi trân trọng nhất là cách triết học đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày. Không còn chỉ là những buổi thảo luận trên lớp hay những trang sách dày cộp, triết học đã trở thành cách tôi nhìn thế giới, cách tôi đưa ra quyết định, thậm chí cách tôi tập thể dục buổi chiều. Khi đứng trước tủ quần áo, tôi nghĩ đến sự lựa chọn tự do của Sartre. Khi tranh cãi với ai đó, tôi nhớ đến phương pháp đối thoại của Socrates. Khi cảm thấy buồn chán, tôi tìm đến sự an nhiên của Marcus Aurelius.

Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất là khi tôi hiểu được ý nghĩa sâu sắc của câu nói: "Con người bị kết án về tự do của mình" - một trong những tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của Sartre. Ban đầu, tôi cảm thấy hoang mang trước từ "kết án" - tại sao tự do lại là một hình phạt? Nhưng càng sống, tôi càng thấu hiểu được gánh nặng ngọt ngào này.

Mỗi quyết định tôi đưa ra, từ việc chọn việc học đến cách đối xử với người khác, đều không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, gia đình hay xã hội. Tôi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những lựa chọn của mình. Không có số phận nào đã định sẵn, không có bản chất nào bẩm sinh - tôi phải tự tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời mình. Đó vừa là đặc quyền vĩ đại nhất, vừa là gánh nặng khủng khiếp nhất của con người. Tôi bị "kết án" phải tự do, phải tự tạo ra con người mình muốn trở thành mỗi ngày, mỗi giây. Triết học không phải là điều xa vời mà là gắn liền với cuộc sống và hành trình của tôi.

Và Paradox thú vị nhất mà tôi khám phá được là: càng học nhiều triết học, tôi càng nhận ra mình biết ít như thế nào. Mỗi câu trả lời lại sinh ra hàng chục câu hỏi mới. Mỗi hệ thống tư tưởng vững chắc lại có những lỗ hổng và mâu thuẫn riêng. Nhưng thay vì khiến tôi thất vong, điều này lại mang đến niềm vui và sự tò mò không ngừng. Giống như dòng sông của Heraclitus, tri thức triết học không bao giờ cố định. Mỗi khi tôi nghĩ mình đã nắm bắt được một chân lý nào đó, nó lại tuột khỏi tay như nước. Và đó chính là vẻ đẹp của triết học – nó không cho phép tâm trí ta trở nên cứng nhắc, mà luôn thúc đẩy ta phải linh hoạt, cởi mở và khiêm tốn.

 Sau ba năm, tôi hiểu rằng triết học không phải chỉ là môn học mà là một cách sống. Nó không chỉ dạy tôi cách suy nghĩ mà còn cách cảm nhận, cách yêu thương, cách chấp nhận và cách buông bỏ. Triết học đã biến tôi thành một con người khoan dung hơn với sự khác biệt, kiên nhẫn hơn với sự phức tạp, và can đảm hơn trong việc đối mặt với những điều chưa biết.

Quan trọng nhất, triết học đã dạy tôi cách đón nhận "bản án tự do" của mình một cách trân trọng. Thay vì cảm thấy sợ hãi trước trách nhiệm lựa chọn, tôi học cách yêu thương gánh nặng này. Bởi vì chính trong việc phải luôn lựa chọn, tôi mới thực sự sống, thực sự tồn tại như một con người đích thực.

Tôi học được rằng sống có triết lý không có nghĩa là có câu trả lời cho mọi thứ, mà là có thái độ đúng đắn trước những câu hỏi của cuộc đời. Đó là sự cân bằng giữa nghi ngờ và tin tưởng, giữa lý tính và cảm xúc, giữa cá nhân và cộng đồng.

Dòng Sông Vẫn Chảy - Heraclitus còn nói: "Panta rhei" – mọi thứ đều chảy. Ba năm học triết đã qua, nhưng dòng sông tri thức vẫn tiếp tục chảy. Tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ có thể bước xuống cùng một dòng sông triết học hai lần, bởi vì cả dòng sông và chính tôi đều không ngừng thay đổi.

Và đó chính là điều kỳ diệu nhất – triết học không phải là một đích đến mà là một cuộc hành trình không có điểm kết thúc. Mỗi ngày, tôi lại là một phiên bản khác của chính mình, chuẩn bị bước vào dòng sông tri thức với những khám phá mới.

Như Heraclitus đã dạy chúng ta, sự thay đổi là bản chất duy nhất không thay đổi của vũ trụ. Và trong ba năm qua, tôi đã học được cách yêu thương sự thay đổi ấy, cách nhảy múa với dòng chảy của tri thức, và cách tìm thấy sự ổn định trong chính sự không ổn định đó.

Dòng sông tri thức chảy mãi không ngừng, 

Mỗi lần bước xuống, ta đã khác xưa. 

Tự do là gánh nặng phải gồng chịu, 

Lựa chọn từng giây - định mệnh của ta


Khi Tôi Quay Trở Lại, Mọi Thứ Không Còn Quen Thuộc -   01/6/2025, Joseph Nguyễn Lê Thế Vương, M.S.C

Comments

Popular posts from this blog

Đi Tu - Lời Dâng Hiến Hay Lời Đáp Trả?

Tiếng Gọi.

Thẹo Cuộc Sống.

MIỄN LÀM SAO

Em!!!

Đi Tu Có Gì Mà Ăn?

Một Phút Nghĩ Bố.

Ba Má Ơi, Trời Còn Lạnh Không?

MÁ - Lời Tốt & Lời Xấu

Đừng Sợ Bẻ Ra và Trao Đi Sẽ Hao Hụt.